Báo Washington Post vừa đăng bài bình luận đáng chú ý về những câu hỏi nước Anh phải đặt ra và tìm câu trả lời sau vụ việc phát hiện 39 người chết trong container. Đó là những cơ chế kiểm soát nhập cư phù hợp, thích đáng hơn để ngăn tái diễn những thảm kịch tương tự.
Cho đến lúc này, những thông tin quan trọng như 39 thi thể trong container là ai, họ từ đâu đến, họ được đưa vào trong container phía sau chiếc xe đầu kéo như thế nào… vẫn chưa thể trả lời.
Trong ngày 25-10, cảnh sát Anh đã bắt thêm 3 nghi phạm “vì nghi ngờ tham gia cấu kết trong việc vận chuyển người trái phép và bị cáo buộc 39 tội giết người”. Tuy nhiên, tất cả vẫn chưa thể trả lời cho câu hỏi thảm kịch này đã xảy ra như thế nào.
Câu hỏi dư luận muốn đặt ra lúc này là điều gì đã khiến những con người xấu số đó liều lĩnh tới mức phải lụy vào những kẻ buôn người và cố tình tham gia một hành trình nhập cư lậu nguy hiểm đến thế?
Thảm kịch đó nói lên điều gì về cơ chế kiểm soát biên giới của nước Anh? Đâu là những lý do để nước Anh cần thay đổi trước hết để tránh tái diễn những thảm kịch tương tự?
Nhập cư lậu ngày càng khó
Chưa bao giờ những kẻ cung cấp dịch vụ đưa người nhập cư lậu hoạt động rầm rộ như hiện nay khi ngày càng nhiều người khao khát ra đi tìm “miền đất hứa”, tuy nhiên quá trình này không hề dễ dàng gì.
Các lộ trình vượt biên an toàn đã bị ngăn chặn và những người cố tình vượt biên hiện đang bị đối xử như những nguy cơ an ninh ở nhiều quốc gia.
Cụ thể với nước Anh, trong nhiều thập kỷ qua, những người tìm kiếm cơ chế được tị nạn tại đây đã bị coi là vấn đề rắc rối cần phải giải quyết.
Với việc gọi họ là những người nhập cư trái phép và những người xin tị nạn giả mạo, giới chính trị gia Anh trong nhiều năm qua đã liên tục sửa đổi và siết chặt lại chính sách chống nhập cư.
Trước tình hình đó, hoàn toàn có thể đoán trước được những người muốn tới Anh sẽ chuyển sang các lộ trình thiếu an toàn để cố tìm đường tới nước này.
Hành trình của chiếc xe container chở 39 nạn nhân tính theo giờ Anh – Nguồn: Reuters. Đồ họa: TUẤN ANH
Những cái chết thương tâm
Trên hành trình nhập cư lậu, các di dân đối mặt với cơ chế kiểm soát biên giới khá phức tạp của cả Anh lẫn EU, và dĩ nhiên cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ kèm theo khác.
Đã từng có những di dân như Carlito Vale, Jose Matada và Mohammed Ayaz được cho là đã ngã và tử nạn từ phần khung gầm của máy bay sau khi trốn ở đó với hi vọng nhập lậu thành công vào Anh.
Cũng như thế, 58 người xuất phát từ Trung Quốc đã được tìm thấy khi chỉ còn là những thi thể trong phần sau chiếc xe tải đi vào lãnh thổ Anh hồi tháng 6-2000.
Hoặc ước tính khoảng 1.080 người đã chết cho tới nay trong hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu.
Đó là những cái chết không phải do tai nạn, cũng không phải chuyện chỉ xảy ra một lần.
Rồi ngay cả khi đã tới được Anh an toàn, những người này cũng sẽ vẫn phải đối mặt với gánh nặng từ những chính sách quản trị tại xứ người.
Theo luật sở tại, những người không có giấy tờ hợp lệ sẽ không thể tiếp cận với các dịch vụ cơ bản trong đời sống, từ chăm sóc sức khỏe cho tới nhà ở.
Chính quyền Anh cho rằng việc siết chặt quản lý biên giới, buộc các di dân phải lựa chọn lộ trình an toàn nếu muốn nhập cảnh, ngăn cản người nhập cư lậu tiếp cận các dịch vụ sống cơ bản sẽ làm giảm bớt ý chí muốn vượt biên lậu bất chấp rủi ro, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Song có vẻ như tất cả những chính sách đó vẫn chưa thể ngăn cản di dân bất chấp vượt biên. Tác giả bài bình luận trên Washington Post cho rằng vấn đề tăng cường kiểm soát biên giới không những chưa phải là giải pháp, mà có khi còn là một phần đẩy vấn đề nhập cư lậu bất chấp trở nên nguy hiểm hơn nữa.
Từ đây tác giả cho rằng ngoài việc luật hóa những chính sách ngăn chặn nạn buôn người, đưa người nhập cư trái phép, chính phủ các nước – đặc biệt là Anh, cần cân nhắc tới hệ lụy không mong muốn từ chính những chính sách kiểm soát biên giới hà khắc và tạo môi trường sống quá khắc nghiệt với người nhập cư lậu.
Theo https://tuoitre.vn/